Skip to main content

Dinh dưỡng cho bệnh tiểu đường luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm? Vai trò của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh tiểu đường là như thế nào? Người ta thấy rằng tiểu đường tuýp 2 đang tăng mạnh ở các nước có những thay đổi chủ yếu về chế độ ăn, giảm hoạt động thể lực, thừa cân và béo phì, nhất là các chế độ ăn có đậm độ năng lượng cao và nghèo vi chất dinh dưỡng, nhiều acid béo no và ít chất xơ. Bên cạnh đó thì hiện nay, các tác giả đều thống nhất rằng, để điều trị tiểu đường lâm sàng phải kết hợp chặt chẽ 4 yếu tố: chế độ ăn – thuốc – hoạt động thể lực – theo dõi lượng đường huyết thường xuyên. Điều này càng cho chúng ta thấy rõ được vai trò quan trọng của chế độ dinh dưỡng đối với bệnh tiểu đường. 

I, VAI TRÒ CỦA CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG:

  • Duy trì sức khoẻ cho bệnh nhân: tránh trường hợp bị thiểu dưỡng do ăn uống quá kiêng khem. Trên thực tế, một số bệnh nhân tiểu đường rất sợ ăn, kiêng khem nhiều và không dám ăn nhiều loại thực phẩm, lâu dài sẽ làm cho cơ thể thiếu các chất dinh dưỡng và ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khoẻ.
  • Tránh tăng đường huyết quá mức: nhiều bệnh nhân tiểu đường do không biết cách lựa chọn thực phẩm, ăn ít cơm nhưng lại ăn nhiều miến hoặc ăn quá nhiều khoai củ, khoai tây…dẫn đến tăng đường huyết. Tất cả là do thiếu kiến thức về giá trị dinh dưỡng của từng loại thực phẩm, không được tư vấn làm ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả điều trị bệnh.
  • Hạn chế dùng thuốc: nếu bệnh nhân có chế độ ăn uống đúng sẽ làm glucose máu – đường huyết của bệnh nhân không tăng thêm và hạn chế phải dùng thêm thuốc.
  • Hạn chế các biến chứng: chế độ ăn hạn chế carbs (tinh bột, đường,…) sẽ góp phần hạn chế các biến chứng xảy ra. Các tác giả cho rằng: khi glucose máu – đường huyết > 27mmol/l thì rất dễ xuất hiện các biến chứng cấp tính.
  • Ở bệnh nhân tiểu đường túyp 2 thì chế độ ăn là điều cần thiết cơ bản để kiểm soát tăng glucose máu – đường huyết, làm giảm hoặc đề phòng các biến chứng, đặc biệt là các biến chứng tổn thương vi mạch (mắt, thận…).
  • Ở bệnh nhân tiểu đường túyp 1 nếu được phát hiện sớm thì cần chế độ ăn hợp lý để có thể kéo dài các giai đoạn này.
  • Ở giai đoạn tiểu đường lâm sàng thì các triệu chứng biểu hiện rầm rộ nhiều biến chứng, có những biến nghiêm trọng như tắc mạch, suy thận. Bệnh nhân ăn nhiều, uống nhiều, đái nhiều, gầy nhiều, glucose máu cao, glucose niệu cao, toan huyết nặng, nước tiểu có ceton, có thể sớm đi vào hôn mê và tử vong. Ở giai đoạn này, ở cả đái tháo đường tuýp 1 và tuýp 2 thì riêng chế độ dinh dưỡng không đủ để kiểm soát đường huyết mà phải điều trị tích cực thêm bằng thuốc. Tuy nhiên, nếu không có chế độ dinh dưỡng hợp lý ở giai đoạn này thì hiệu quả điều trị bằng thuốc sẽ không cao.

II, MỤC TIÊU CỦA CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG:

Đạt được và duy trì tốt nhất các chỉ số chuyển hóa bao gồm:

  1. Mức đường máu ở trong giới hạn bình thường hoặc cố gắng ở mức an toàn để ngăn ngừa và giảm nguy cơ biến chứng của bệnh đái tháo đường
  2. Lipid và lipoprotein ở giới hạn giảm nguy cơ bệnh tim mạch.
  3. Mức huyết áp ở trong giới hạn bình thường để giảm nguy cơ tim mạch.

BẢNG MỤC TIÊU CHỈ SỐ ĐƯỜNG HUYẾT

Chỉ số Mục tiêu
HbA1c < 7%
Glucose máu trước bữa ăn 4,4-7,2 mmol/L (80-130mg/dl)
Nồng độ đỉnh glucose máu sau ăn (1-2h)

(được đo 1-2h sau khi bắt đầu bữa ăn)

 

<10 mmol/L (180mg/dl)

 

III, CHẾ ĐỘ DINH DƯỠNG CHO BỆNH TIỂU ĐƯỜNG:

1. Nguyên tắc chung:

  • Cung cấp đủ nhu cầu chất dinh dưỡng theo lứa tuổi, tình trạng sinh lí, tình trạng lao động, bệnh tật.
  • Không làm tăng đường huyết nhiều sau ăn, không làm hạ đường huyết lúc xa bữa ăn.
  • Không làm tăng các yếu tố nguy cơ như rối loạn mỡ máu, tăng huyết áp, suy thận…
  • Phù hợp với điều kiện cá nhân, đơn giản và thuận tiện.
  • Duy trì cân nặng ở mức lí tưởng.
  • Phân chia bữa ăn hợp lí và nên có thêm bữa ăn phụ tùy từng trường hợp.
  • Cố định thời gian các bữa ăn, ăn đúng giờ, tăng cường chất xơ.
  • Không nên thay đổi quá nhiều hoặc quá nhanh cơ cấu cũng như khối lượng các bữa ăn.

2. Tổng năng lượng hàng ngày:

  • Phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi, giới, tính chất công việc, thể trạng, tình trạng sinh lý và bệnh lý. Ngoài các yếu tố kể trên, các thông tin về năng lượng khẩu phần ăn hiện tại và thói quen ăn uống, các hoạt động luyện tập đang thực hiện cũng đóng vai trò quan trọng trong xác định nhu cầu năng lượng của mỗi cá nhân.
    • Trong đó:
      • Glucid: 50 – 60% tổng năng lượng.
      • Protein : 15 – 20% tổng năng lượng.
      • Lipid: 20 – 30% tổng năng lượng
      • Acid béo no: ≤10%.
      • Acid béo không no đơn: ≤ 10%.
      • Acid béo không no đa: ≤ 10%. 
      • Cholesterol: < 300 mg/ngày.
      • Chất xơ: 20-35g/ngày.

Người bệnh đái tháo đường nên chia nhỏ bữa ăn từ 4-6 bữa/ngày. Nếu bệnh nhân tiêm insulin thì nên ăn bữa phụ đêm. Trong bữa ăn, ăn rau củ trước tiên, sau đó ăn thức ăn và ăn cơm sau cùng.

– Có thể tham khảo một số bữa ăn và năng lượng mỗi bữa như sau:

  • Phân chia năng lượng bữa ăn trong ngày – 6 bữa:
  • Bữa sáng: 20% tổng năng lượng.
  • Bữa phụ sáng; 10% tổng năng lượng.
  • Bữa trưa: 25% tổng năng lượng.
  • Bữa phụ chiều: 10% tổng năng lượng.
  • Bữa tối : 25% tổng năng lượng.
  • Bữa phụ tối: 10% tổng năng lượng.

3. Lựa chọn thực phẩm:

– Thực phẩm nên dùng: 

  • Các loại: gạo, mỳ, ngô, khoai, sắn… nên chọn gạo lứt, yến mạch, bánh mỳ đen, ngũ cốc nguyên hạt hoặc ngũ cốc xay xát dối thay cho gạo trắng, bún, phở, bánh đúc. 

  • Đậu tương và các sản phẩm chế biến từ đậu tương (đậu phụ, đậu nành…), đậu đen, đậu đỏ, đậu xanh, đậu hà lan, đậu lăng, đậu tây…  
  • Các thực phẩm giàu đạm nguồn gốc động vật ít béo như: 
  • Cá và hải sản: 
    • Ăn cá ít nhất khoảng 2 lần 1 tuần.
    • Cá có nhiều acid béo omega – 3 (phòng ngừa các nguy cơ về tim mạch, mỡ máu) như cá ngừ, cá trích, cá thu, cá hồi, cá mòi.
    • Các loại cá khác bao gồm cá da trơn, cá tuyết, cá bơn, cá tuyết chấm đen, cá bơn và cá rô phi.
    • Động vật có vỏ bao gồm nghêu, cua, tôm hùm, sò điệp, tôm thường, sò.

dinh dưỡng cho bệnh tiểu đường

  • Gia cầm: Chọn thịt gia cầm ăn bỏ da sẽ cung cấp ít chất béo bão hòa và cholesterol: gà tây, gà mái,…

  • Phô mai và trứng: Chọn phô mai giảm béo hoặc phô mai thường với số lượng nhỏ, trứng nguyên quả.
  • Thịt bò, thịt lợn, thịt bê, thịt cừu..: Tốt nhất là hạn chế ăn thịt đỏ (vì chúng thường có chất béo bão hòa), hoặc các loại thịt chế biến sẵn như dăm bông, thịt xông khói và xúc xích (thường có nhiều chất béo bão hòa và muối). Nếu bạn quyết định ăn những thứ này, hãy chọn những phần tốt cho sức khỏe hơn đó là:
  • Chọn các phần thịt bò được cắt tỉa phần mỡ bao gồm: sườn, thịt quay, thịt thăn khối, sườn, bít tết.
  • Thịt bê, thịt lợn: chọn phần thịt thăn.
  • Dầu thực vật (dầu đậu nành, dầu vừng, dầu mè, dầu hướng dương, dầu hạt cải, dầu oliu…)

dinh dưỡng cho bệnh tiểu đường

  • Ăn đa dạng các loại rau. Nhu cầu mỗi ngày 400-600g rau củ. 

dinh dưỡng cho bệnh tiểu đường

– Thực phẩm hạn chế dùng:

  • Miến dong, bánh mì trắng, khoai củ chế biến dưới dạng nướng.

dinh dưỡng cho bệnh tiểu đường

  • Phủ tạng động vật như: óc, bầu dục, tim, gan, mỡ động vật,…

dinh dưỡng cho bệnh tiểu đường

  • Các loại quả có hàm lượng đường cao: nhãn, vải, mít, chuối, hồng xiêm, na…
  • Các loại quả sấy khô (mít khô, vải khô, nhãn khô,…)

Thực phẩm không nên dùng:

  • Các loại bánh kẹo chứa nhiều đường ngọt, mứt các loại.
  • Các loại quả ngọt sấy khô.
  • Đồ hộp, thịt hộp, pate, xúc xích…
  • Rượu, bia hạn chế uống dưới 1 đơn vị rượu/ ngày đối với nữ, 2 đơn vị rượu/ ngày đối với nam ( 1 đơn vị = 350ml bia = 150ml rượu vang = 50ml rượu mạnh).

– Cách chế biến:

  • Hạn chế các món chiên, rán, nướng
  • Các loại khoai củ: không nên chế biến dưới dạng nướng vì có hàm lượng đường cao.
  • Chế biến thực phẩm dạng luộc, hầm.
  • Hạn chế sử dụng các loại nước quả ép, xay sinh tố: nên ăn cả múi để có chất xơ.

III, HOẠT ĐỘNG THỂ LỰC:

  • Nên tập thể dục 30-40 phút mỗi ngày, luyện tập thường xuyên với cường độ hợp lí. Áp dụng các bài tập nhẹ nhàng như đạp xe, đi bộ, tập dưỡng sinh… Bệnh nhân nên tập tăng dần cho đến khi thời gian tập luyện ít nhất 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần. Trước khi tập, bệnh nhân nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị, đặc biệt là những bệnh nhân đã có biến chứng tim mạch.

Luyện tập thể dục đối với bệnh tiểu đường

MAI HƯƠNG

👉 Đăng ký theo dõi Eatsy TV trên Youtube tại đây: https://bit.ly/35Nj0LK để nhận những công thức nấu ăn ngon, bổ dưỡng.

👉 Tải ngay ứng dụng Eatsy giúp hỗ trợ theo dõi sức khỏe và xây dựng thực đơn lành mạnh dành riêng cho bạn: https://bit.ly/3mGqSED.

👉 Like và theo dõi page của chúng tôi để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về dinh dưỡng và sức khỏe: https://www.facebook.com/eatsy.vn/

Eatsy không chẩn đoán hoặc đề xuất phương pháp điều trị. Bất kỳ mô tả nào về chế độ ăn kiêng, kế hoạch tập luyện hoặc chất bổ sung đều phải được thảo luận với chuyên gia dinh dưỡng hiện tại của bạn. Bài viết này không đề cập đến các tình trạng cụ thể và chỉ nhằm mục đích cung cấp thông tin chung về các chủ đề chăm sóc sức khỏe. Việc làm theo bất kỳ lời khuyên nào là do bạn tự chủ động và không áp đặt bất kỳ trách nhiệm nào lên tác giả blog đối với sức khỏe và sự an toàn của bạn.

Giới thiệu về Eatsy

Eatsy là công ty công nghệ sức khỏe được thành lập vào tháng 6 năm 2020 tại Hà Nội. Chúng tôi tin rằng công nghệ có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp mọi người hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Eatsy cung cấp các giải pháp cá nhân hóa, hiệu quả và bền vững để giúp người dùng đạt được mục tiêu dinh dưỡng, tập luyện và sức khỏe của họ.

Trải nghiệm Eatsy - Giải pháp dinh dưỡng cá nhân hóa, hiệu quả và bền vững

Click vào đây để tải App Eatsy

Dùng thử miễn phí ⚬ Bảo đảm chất lượng ⚬ Được tin cậy trên toàn cầu

Để lại bình luận

© 2024. All Rights Reserved, Eatsy Jsc