Xét nghiệm tiểu đường thai kỳ là cần thiết để bảo vệ sức khỏe của bà bầu và thai nhi. Nếu bạn có nguy cơ mắc tiểu đường thai kỳ ở mức trung bình, bạn có thể phải làm xét nghiệm sàng lọc ở giữa tuần thứ 24 và 28 của thai kỳ (đối với những thai phụ không được chẩn đoán tiểu đường thai kỳ trước đó).
Nếu bạn có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao – ví dụ: nếu bạn thừa cân hoặc béo phì trước khi mang thai hoặc bạn có mẹ, cha, anh chị em ruột hoặc con của bạn bị bệnh tiểu đường – bác sĩ có thể kiểm tra bệnh tiểu đường sớm trong thai kỳ, có thể là ở lần đầu tiên bạn thăm khám sau khi bạn mang thai.
I, CÁC XÉT NGHIỆM TIỂU ĐƯỜNG THAI KỲ:
Phương pháp 1 (one-step strategy): Thực hiện phương pháp dung nạp glucose đường uống với 75g glucose, xét nghiệm đường huyết lúc đói, 1 giờ, 2 giờ sau khi uống đường.
Nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống phải được thực hiện vào buổi sáng sau khi nhịn đói qua đêm ít nhất 8 giờ. Chẩn đoán tiểu đường thai kỳ khi có bất kỳ giá trị glucose – đường huyết thoả mãn tiêu chuẩn sau đây:
- Lúc đói ≥ 92 mg/dL (5,1 mmol/L)
- Ở thời điểm sau 1 giờ ≥ 180 mg/dL (10,0 mmol/L)
- Ở thời điểm sau 2 giờ ≥ 153 mg/dL (8,5 mmol/L)
Phương pháp 2 (two-step strategy):
- Bước 1: Thực hiện nghiệm pháp uống glucose 50g hoặc uống tải glucose 50 gam (glucose loading test: GLT): Uống 50 gam glucose (trước đó không nhịn đói), đo glucose huyết tương tại thời điểm 1 giờ, ở tuần thứ 24 đến 28 của thai kỳ đối với những thai phụ không được chẩn đoán đái tháo đường trước đó. Nếu mức glucose huyết tương được đo
lường tại thời điểm 1 giờ sau uống là 130 mg/dL, 135 mg/dL, hoặc 140 mg/dL (7,2 mmol/L, 7,5 mmol/L, 7,8 mmol/L) tiếp tục với nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g. - Bước 2: Thực hiện nghiệm pháp dung nạp glucose đường uống 100g (100-g OGTT): Nghiệm pháp phải được thực hiện khi bệnh nhân đang đói: Bệnh nhân nhịn đói, uống 100 gam glucose pha trong 250-300 ml nước, đo glucose huyết lúc đói và tại thời điểm 1 giờ, 2 giờ, 3 giờ, sau khi uống glucose. Chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ khi ít nhất có 2 trong 4 giá trị mức glucose huyết tương bằng hoặc vượt quá các ngưỡng sau đây:
Bảng tiêu chuẩn chẩn đoán đái tháo đường thai kỳ đối với phương pháp 2 bước:
Tiêu chuẩn chẩn đoán của Carpenter/ Coustan | Tiêu chuẩn chẩn đoán theo National Diabetes Data Group | |
Lúc đói | 95 mg/dL (5,3 mmol/L) | 105 mg/dL (5,8 mmol/L) |
Ở thời điểm 1 giờ | 180 mg/dL (10,0mmol/L) | 190 mg/dL (10,6 mmol/L) |
Ở thời điểm 2 giờ | 155 mg/dL (8,6 mmol/L) | 165 mg/dL (9,2 mmol/L) |
Ở thời điểm 3 giờ | 140 mg/dL (7,8 mmol/L) | 145 mg/dL (8,0 mmol/L) |
II, ĐIỀU TRỊ:
Vì bệnh tiểu đường thai kỳ có thể làm tổn thương cho bạn và thai nhi, điều quan trọng là phải nhanh chóng bắt đầu điều trị.
– Điều trị tiểu đường thai kỳ nhằm mục đích giữ cho mức đường huyết tương đương với những phụ nữ mang thai không bị tiểu đường thai kỳ. Việc điều trị luôn bao gồm các kế hoạch bữa ăn đặc biệt và hoạt động thể chất theo lịch trình, và nó cũng có thể bao gồm xét nghiệm đường huyết hàng ngày và tiêm insulin.
–Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ (ADA) đề xuất các mục tiêu sau cho những phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Mục tiêu đường huyết nghiêm ngặt hơn hoặc ít hơn có thể phù hợp với từng cá nhân.
- Trước bữa ăn: dưới 95 mg/dl (5,3mmol/l)
- Một giờ sau bữa ăn: 140 mg/dl (7.8mmol/l) hoặc thấp hơn
- Hai giờ sau bữa ăn: 120 mg/dl (6,7mmol/l) hoặc thấp hơn.
THAY ĐỔI LỐI SỐNG:
– Lối sống của bạn – cách bạn ăn uống và tập luyện – là một phần quan trọng trong việc giữ cho lượng đường trong máu của bạn ở mức lành mạnh. Các bác sĩ không khuyên bạn nên giảm cân khi mang thai – cơ thể bạn đang làm việc chăm chỉ để hỗ trợ thai nhi đang phát triển. Nhưng bác sĩ có thể giúp bạn đặt mục tiêu tăng cân dựa trên cân nặng của bạn trước khi mang thai.
ĂN UỐNG LÀNH MẠNH:
– Chế độ ăn uống lành mạnh tập trung vào trái cây, rau, ngũ cốc nguyên hạt và protein – thịt nạc – thực phẩm giàu dinh dưỡng và chất xơ, ít chất béo và calo – và hạn chế carbohydrate tinh chế cao, bao gồm cả đồ ngọt. Một chuyên gia dinh dưỡng có thể giúp bạn lập kế hoạch ăn uống dựa trên cân nặng hiện tại của bạn, mục tiêu tăng cân khi mang thai, mức đường huyết, thói quen tập thể dục, sở thích ăn uống và mức năng lượng phù hợp.
DUY TRÌ THÓI QUEN TẬP LUYỆN:
– Hoạt động thể chất thường xuyên đóng một vai trò quan trọng trong kế hoạch chăm sóc sức khỏe của mọi phụ nữ trước, trong và sau khi mang thai. Tập thể dục làm giảm lượng đường trong máu của bạn, có thể giúp giảm một số khó chịu thường gặp khi mang thai, bao gồm đau lưng, chuột rút cơ, sưng tấy, táo bón và khó ngủ.
– Với sự tham khảo ý kiến của bác sĩ, hãy tập thể dục vừa phải 30 phút vào hầu hết các ngày trong tuần. Nếu bạn không hoạt động trong một thời gian, hãy bắt đầu từ từ và xây dựng dần dần. Đi bộ, đạp xe và bơi lội là những lựa chọn tốt khi mang thai. Hoặc các hoạt động quen thuộc hơn như làm việc nhà, làm vườn,…
THEO DÕI LƯỢNG ĐƯỜNG TRONG MÁU:
– Khi bạn đang mang thai, bác sĩ của bạn có thể yêu cầu bạn kiểm tra lượng đường trong máu bốn lần trở lên mỗi ngày, đầu tiên là vào buổi sáng và sau các bữa ăn – để đảm bảo mức độ của bạn luôn ở trong mức khỏe mạnh.
THUỐC:
Nếu chế độ ăn uống và tập thể dục không đủ, bạn có thể cần tiêm insulin để giảm lượng đường trong máu. Từ 10% đến 20% phụ nữ bị tiểu đường thai kỳ cần insulin để đạt được mục tiêu về lượng đường trong máu của họ. Một số bác sĩ kê đơn thuốc uống để kiểm soát lượng đường trong máu, trong khi những người khác cho rằng cần phải nghiên cứu thêm để xác nhận rằng thuốc uống an toàn và hiệu quả như insulin tiêm để kiểm soát bệnh tiểu đường thai kỳ.
THEO DÕI CHẶT CHẼ THAI NHI:
– Một phần quan trọng trong kế hoạch điều trị của bạn là theo dõi chặt chẽ thai nhi. Bác sĩ có thể kiểm tra sự tăng trưởng và phát triển của em bé bằng siêu âm lặp lại hoặc các xét nghiệm khác. Nếu bạn không chuyển dạ trước ngày dự kiến sinh – hoặc đôi khi sớm hơn – bác sĩ có thể tiến hành chuyển dạ. Việc sinh con sau ngày dự sinh có thể làm tăng nguy cơ biến chứng cho bạn và thai nhi.
THEO DÕI SAU KHI SINH:
– Bác sĩ sẽ kiểm tra lượng đường trong máu của bạn sau khi sinh và một lần nữa trong 6-12 tuần để đảm bảo rằng mức độ của bạn đã trở lại bình thường. Nếu các xét nghiệm của bạn bình thường – và hầu hết là như vậy – bạn sẽ cần phải đánh giá nguy cơ tiểu đường ít nhất ba năm một lần.
– Nếu các xét nghiệm trong tương lai chỉ ra bệnh tiểu đường tuýp 2 hoặc tiền tiểu đường, hãy nói chuyện với bác sĩ về việc tăng cường nỗ lực phòng ngừa hoặc bắt đầu kế hoạch quản lý bệnh tiểu đường.
Mai Hương
Tham khảo: mayoclinic.org, ADA.
👉 Đăng ký theo dõi Eatsy TV trên Youtube tại đây: https://bit.ly/35Nj0LK để nhận những công thức nấu ăn ngon, bổ dưỡng.
👉 Tải ngay ứng dụng Eatsy giúp hỗ trợ theo dõi sức khỏe và xây dựng thực đơn lành mạnh dành riêng cho bạn: https://bit.ly/3mGqSED.
👉 Like và theo dõi page của chúng tôi để cập nhật thêm những thông tin bổ ích về dinh dưỡng và sức khỏe: https://www.facebook.com/eatsy.vn/